Đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Nhật cho thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản

Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản được thực hiện từ năm 2006 theo Thỏa thuận giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam với Tổ chức phát triển nhân lực Quốc tế Nhật Bản (gọi tắt là IM Japan). Việt Nam là nước tham gia chương trình này sau Indonesia và Thái Lan nên số lượng thực tập sinh xuất cảnh trong những năm vừa qua chưa nhiểu, chỉ khoảng gần 200 người/ năm. Thực tập sinh Việt Nam sau khi sang Nhật Bản chủ yếu thực tập trong 2 lĩnh vực là: sản xuất chế tạo và xây dựng; được các công ty tiếp nhận Nhật Bản đánh giá cao về tính chăm chỉ, cần cù, khả năng tiếp thu nhanh và tay nghề khéo léo. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng thực tập sinh trước xuất cảnh, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của thực tập sinh Việt Nam với thực tập sinh Indonesia và Thái Lan, Trung tâm Lao động ngoài nước xác định việc nâng cao trình độ tiếng Nhật cho thực tập sinh trước khi xuất cảnh là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đào tạo. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải kiện toàn đội ngũ giáo viên và đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Nhật.

Thực tập sinh Việt Nam được đào tạo trong thời gian 8 tháng trước khi xuất cảnh, bao gồm: 03 tháng đào tạo tiếng Nhật dự bị sau tuyển chọn, 04 tháng đào tạo chính thức trước phái cử và 01 tháng ôn tập trước khi xuất cảnh tại Cơ sở đào tạo của Trung tâm Lao động ngoài nước. Trung tâm đã phân chia nội dung giảng dạy và áp dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp với từng giai đoạn đào tạo, cụ thể:

- Giai đoạn đào tạo tiếng Nhật dự bị 03 tháng: sử dụng phương pháp giáo cụ trực quan như thẻ chữ, tranh ảnh để giới thiệu chữ cái, từ vựng cơ bản trong tiếng Nhật. Trên cơ sở nắm vững các từ vựng cơ bản, học viên tiếp tục được học ngữ pháp tiếng Nhật căn bản cấp độ N5.

- Giai đoạn đào tạo chính thức 04 tháng trước phái cử: học viên tiếp tục hoàn thiện chương trình cấp độ N5 và học 50% kiến thức cấp độ N4. Trong giai đoạn này, học viên được học ngữ pháp theo giáo trình do IM Japan cung cấp, đào tạo các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Để học viên có thể phát huy tối đa khả năng học của mình, tạo ra môi trường giảng dạy tiếng Nhật chuyên nghiệp, Trung tâm Lao động ngoài nước đã và đang áp dụng phương pháp Communicative Approach (phương pháp giao tiếp) trong giảng dạy tiếng Nhật. Với quan điểm lấy năng lực giao tiếp của người học làm trung tâm, giáo viên lên lớp giảng dạy các kỹ năng bằng tiếng Nhật (85%), kết hợp với việc sử dụng giáo cụ trực quan để giúp học viên cảm thấy thú vị và hiểu bài tốt hơn.

- Giai đoạn ôn tập 01 tháng trước khi xuất cảnh: học viên được ôn tập lại toàn bộ kiến thức đã học đồng thời được bổ trợ thêm các giờ thực hành tiếng Nhật theo tình huống thực tế giúp học viên rèn luyện khả năng nghe và nói. Trong giai đoạn này, học viên cũng được học thêm các từ chuyên ngành dùng trong công việc.

Ngoài việc đổi mới phương pháp giảng dạy, Trung tâm đã và đang tiến hành kiện toàn đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng Nhật. Đội ngũ giáo viên được tuyển chọn thông qua việc phỏng vấn đánh giá năng lực chuyên môn và được đào tạo về phương pháp sư phạm. Trung tâm thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận về phương pháp giảng dạy giữa các giáo viên để thống nhất cách thức giảng dạy và nâng cao kỹ năng sư phạm của đội ngũ giáo viên. Cùng với việc kiện toàn đội ngũ giáo viên, Trung tâm đã áp dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá khả năng tiếng Nhật của học viên, qua đó kịp thời điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với từng khóa học và sàng lọc được những học viên không đạt yêu cầu của chương trình.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng thực tập sinh, cùng với việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết, rèn luyện ý thức kỷ luật và thể lực cho học viên thì Trung tâm Lao động ngoài nước đã có nhiều đổi mới trong phương pháp giảng dạy tiếng Nhật để thực tập sinh Việt Nam trước khi xuất cảnh có thể đạt trình độ N5 và tiếp thu được 50% kiến thức trình độ N4, để sau khi sang Nhật Bản, với vốn tiếng Nhật đã được học, thực tập sinh có thể nhanh chóng hoà nhập, thích ứng với điều kiện làm việc, sinh hoạt tại Nhật Bản. Và với những đổi mới quan trọng này, Trung tâm Lao động ngoài nước tin tưởng rằng các công ty tiếp nhận Nhật Bản ngày càng đánh giá cao thực tập sinh Việt Nam, góp phần gia tăng số lượng thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản trong những năm tới.

Tin khác