Luật Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc được Quốc hội Hàn Quốc thông qua ngày 16/8/2003, quy định Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là Chương trình EPS), có hiệu lực từ ngày 16/8/2004. Theo quy định của Luật này, các doanh nghiệp Hàn Quốc khi không tuyển dụng được lao động trong nước sẽ được phép tuyển dụng lao động nước ngoài với số lượng nhất định; việc giới thiệu, quản lý toàn bộ các vấn đề liên quan đến người lao động nước ngoài do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc thực hiện. Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký Bản Ghi nhớ với các nước để phái cử và tiếp nhận lao động đến Hàn Quốc làm việc.
Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký Bản Ghi nhớ với 15 quốc gia, bao gồm: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Mông cổ, Sri Lanka, Trung Quốc, Campuchia, Nêpal, Uzbekistan, Pakistan, Bangladesh, Kyrgystan, Mianma và Đông Timo.
Trung tâm Lao động ngoài nước (COLAB) được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ là cơ quan phái cử lao động, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, có nhiệm vụ: phối hợp tổ chức thi tiếng Hàn, tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký dự tuyển, nhập thông tin hồ sơ của người lao động vào hệ thống SPAS của Hàn Quốc để giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động lựa chọn; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, xin cấp visa và tổ chức cho người lao động xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc.
Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) được Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc giao nhiệm vụ là Cơ quan tiếp nhận lao động, có nhiệm vụ: tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động, giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động lựa chọn, hỗ trợ thủ tục tiếp nhận và hỗ trợ lao động nhập cảnh.
Người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc phải tham dự và đạt yêu cầu tại kỳ thi tiếng Hàn do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức. Người lao động đạt yêu cầu về tiếng Hàn và đáp ứng các điều kiện theo quy định sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển về Trung tâm Lao động ngoài nước. Hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động đạt yêu cầu sẽ được nhập thông tin vào hệ thống mạng của Hàn Quốc để giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động lựa chọn. Người lao động được doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động lựa chọn sau khi hoàn thiện các thủ tục cần thiết sẽ xuất cảnh sang làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc. Người lao động nước ngoài được pháp luật Hàn Quốc bảo vệ và được hưởng những quyền lợi cơ bản bình đẳng như người lao động Hàn Quốc.
Từ tháng 12/2011, phía Hàn Quốc bắt đầu tổ chức các kỳ thi tiếng Hàn trên máy tính cho người lao động, theo định kỳ 3 tháng 1 lần, 4 lần trong 1 năm. Đây là kỳ thi chỉ dành cho những người lao động sau khi hết hạn hợp đồng 3 năm làm việc chính thức được doanh nghiệp Hàn Quốc ký hợp đồng tái tuyển dụng, tiếp tục làm việc trong thời gian tối đa là 01 năm 10 tháng và những lao động này đã về nước trước hoặc đúng thời hạn một cách hợp pháp có nguyện vọng quay trở lại Hàn Quốc làm việc (được gọi là lao động CBT). Chính sách này được áp dụng đối với những người lao động về nước từ sau ngày 01/01/2010 và người lao động có thể quay trở lại Hàn Quốc làm việc sau 6 tháng kể từ ngày về nước.
Đồng thời, để khuyến khích người lao động gắn bó với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động được tái tuyển dụng được lao động đảm bảo trình độ, tay nghề từ tháng 7/2012 phía Hàn Quốc có chính sách cho phép doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động được tái tuyển dụng những người lao động đã làm việc cho mình sau khi những người này hết thời hạn làm việc tại Hàn Quốc. Những người lao động làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian 6 năm hoặc 4 năm 10 tháng liên tục không chuyển đổi nơi làm việc hoặc chuyển đổi nơi làm việc vì những lý do bất khả kháng như công ty phá sản, đóng cửa,…và thời gian làm việc của người lao động tại công ty cuối cùng phải từ 1 năm trở lên nếu được doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động tái tuyển dụng sẽ được tái nhập cảnh Hàn Quốc sau 3 tháng kể từ ngày về nước và không phải tham dự kỳ thi tiếng Hàn (được gọi là lao động mẫu mực).